Pháp ngữ Tông Phong Diệu Siêu

Tông phong của Sư nổi tiếng là uy nghiêm dũng mãnh. Nổi danh nhất là bản Di giới (zh. 遺誡, ja. yuikai) của Sư—được viết hai năm trước lúc Sư quy tịch. Bản Di giới này nêu rõ phong cách của dòng thiền Ứng-Đăng-Quan và truyền thống của Thiền tông từ Trung Quốc đến Nhật Bản nói chung. Bản này—thỉnh thoảng được biến đổi đôi chút—vẫn còn được treo trước mỗi Thiền viện của tông Lâm Tế tại Nhật. Nội dung bản này như sau:

Dù các thiền viện được hưng thịnh thế nào sau khi lão tăng qua đời đi nữa, dù tượng hình Phật và các bộ kinh được tạo bằng vàng ròng đi nữa, dù thiền sinh tham học đông đảo, tụng kinh, phát nguyện, toạ thiền suốt đêm, ăn chỉ một bữa, chuyên cần giữ giới đi nữa,—nếu họ không chú tâm tìm cho bằng được diệu pháp nằm ngoài kinh điển của chư Phật, Tổ thì họ không thể nào đoạn diệt lưới nghiệp, tông chỉ sẽ bị hoại, họ sẽ theo nhà ma. Dù khoảng thời gian từ khi lão tăng qua đời có dài thế nào đi nữa thì cũng không được gọi họ là con cháu của lão tăng.Nhưng—nếu có người nào tại đây, ở nhà lá, ăn rau cỏ từ nồi nghiêng bếp hỏng để sống qua ngày, nếu người này tự tìm hiểu nguồn gốc của chính mình thì ngày ngày sẽ thấy được lão tăng và sẽ là người báo ân chân thật.

Sư lâm bệnh nặng năm 55 tuổi và phó chúc công việc cai quản thiền viện cho môn đệ là Triệt Ông Nghĩa Hanh (ja. tettō gikō). Sư căn dặn không được xây tháp cho Sư sau khi Sư tịch. Câu chuyện rất cảm động sau được truyền lại, tả lúc Sư quy tịch. Như phần lớn các vị Thiền sư, Sư muốn ngồi kết già viên tịch mặc dù chân của Sư bị thương và trước đó Sư cũng không thể nào ngồi kết già toạ thiền. Biết thời điểm đã đến, Sư dùng hết sức mình kéo chân trái đặt trên chân phải. Xương chân của Sư gãy, máu tuôn đầy ca-sa. Sư an nhiên ngồi thẳng và viết những dòng kệ sau:

Phật, Tổ ta đã đoạnTóc bay đã hết rốiBánh xe tự tại chuyểnChân không bèn nghiến răng.

Với sự xuất hiện của Sư, Thiền Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn du nhập, các Thiền sư Nhật đã đạt được phong độ của các tiền bối tại Trung Quốc đời Đường, đời Tống.